Côn trùng là nhóm động vật không xương sống rất đa dạng, bắt gặp ở hầu hết các hệ sinh thái trên cạn. Hiện có khoảng một triệu loài côn trùng đã được định tên, trong đó, bướm có khoảng 20.000 loài.
Tuy nhiên, theo dự đoán, số lượng loài côn trùng trên trái đất có thể lên đến trên 10 triệu loài. Trong lớp côn trùng, bướm là nhóm được biết đến nhiều nhất do có màu sắc và hình thái đẹp, gần gũi với con người. Rất nhiều loài có giá trị khoa học, kinh tế và môi trường.
Nhiều loài bướm quý, hiếm, đẹp có phạm vi phân bố hẹp thường bị săn bắt ráo riết cho mục đích thương mại. Trong số các loài bướm bị săn bắt nhiều nhấtt có họ bướm Phượng (Papilionidae). Theo IUCN gần 14% tổng số loài của họ này (78 loài) đang bị đe doạ hoặc quần thể loài bị giảm sút mạnh. Trong số 46 loài cần bảo vệ (có trong phụ lục I và II của CITES) thì Việt Nam có 4 loài là Teinopalpus aureus, Teinopalpus imperialis, Troides helena và Troides aeacus. Trong số các loài này thì loài bướm đuôi kiếm đốm vàng (Teinpalpus aureus) bị săn bắt ráo riết nhất do có giá trị thương mại cao hơn.
Trên thế giới loài bướm đuôi kiếm đốm vàng (Teinpalpus aureus) phân bố hẹp, chỉ bay ở các khu rừng tự nhiên trên núi cao ở nam Trung Quốc (cả đảo Hải Nam) và Trung Lào. Ở Việt Nam loài này phân bố rải rác từ miền Bắc (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) vào tới nam Trung bộ (Đắc Nông). Các địa điểm mới phát hiện có sự phân bố của loài này là Pù Mát (Nghệ An), Đắc Nông, Đắc Lắc.
Việt Nam có hai loài phụ là Teinopalpus aureus aureus phân bố từ Vĩnh Phúc đến Hà Tĩnh, và loài phụ khác là Teinopalpus aureus eminens phân bố ở nam Trung bộ (Khánh Hoà, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc). Hai loài phụ này rất giống nhau, chỉ khác nhau ở ô cánh của cánh sau (xem hình ảnh). Trong đó, loài ở miền Bắc có ô cánh lớn hơn so với loài ở nam Trung bộ. Loài lưỡng hình, cá thể đực và cái khác nhau. Cá thể cái có kích thước sải cánh lớn hơn cá thể đực, các đuôi cũng dài và rõ rệt hơn.
Sâu non được nuôi trên một số loài Dẻ (Magnolia obovata, M. sieboldii, M. liliflora) (theo Igarashi, 2001). Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được chính xác cây thức ăn ngoài tự nhiên. Loài này cũng đã nuôi được một thế hệ tại Nhật Bản và đã thu được vài cá thể nhưng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với kích thước tự nhiên ở Việt Nam.
Chúng có tập tính hoạt động khác với nhiều loài bướm khác thuộc họ bướm Phượng. Chúng xuất hiện trên các đỉnh núi rất sớm vào những ngày nắng (6h00 đến 8h00), còn vào những ngày trời mây thì muộn hơn. Khi mây kéo đến chúng ngừng bay, khi mặt trời xuất hiện chúng bay lên cao và bay rất nhanh. Các cá thể đực bay lên trước chờ cá thể cái lên, chúng thường bay ngược theo chiều gió. Điều này cũng dễ hiểu vì nếu bay xuôi chiều gió chúng sẽ bị mất thăng bằng.
Loài có hai thế hệ trong năm, thế hệ đầu là vào gần cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 và thế hệ thứ hai vào gần cuối tháng 7 đến đầu tháng 9. Ở miền Trung loài này xuất hiện sớm hơn, từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4, chưa ghi nhận được ở tháng 7 và 8 do không khảo sát được vào mùa mưa. Kết quả khảo sát về loài cho thấy quần thể loài hiếm, đặc biệt loài phụ phân bố ở miền Trung Việt Nam.
Tình trạng về loài (theo IUCN) là loài hiếm, thông tin về vùng phân bố còn thiếu, đặc biệt quần thể loài còn chưa biết, do vậy, cần có những nghiên cứu để xác định tình trạng của loài.
Tình trạng của loài bướm đuôi kiếm đốm vàng (Teinpalpus aureus) ở Việt Nam: có thể nói là loài bướm quý, hiếm và có giá trị nhất Việt Nam. Loài đã được xếp vào danh lục loài nguy cấp, có nguy cơ bị đe doạ do quần thể nhỏ, nơi ở bị chia cắt, sự khai thác và phá rừng (nhất là ở Đắc Nông và Đắc Lắc), ngoài ra, việc săn bắt quá mức có thể làm cho mối đe doạ của loài tăng lên.
Biện pháp bảo tồn: loài bướm quý, hiếm có giá trị khoa học, kinh tế, môi trường cũng nên được đối xử và quan tâm bảo tồn như các loài thú lớn. Việc bảo vệ rừng tự nhiên, ngôi nhà duy nhất của chúng cũng như các loài động và thực vật khác là biện pháp tốt nhất. Ngoài ra, cấm và kiểm soát việc săn bắt là cần thiết để duy trì số lượng cá thể của loài trong tự nhiên. Nghiên cứu và nhân nuôi loài để thả vào tự nhiên hoặc có thể nuôi thương mại sẽ mang lợi một nguồn lợi đáng kể cho người dân ở các khu rừng bảo vệ. Các mẫu bướm săn bắt thường có chất lượng kém, do vậy, giá trị thấp. Trong điều kiện nhân nuôi, sản phẩm sẽ có chất lượng cao và như vậy giá sẽ cao hơn.
Vũ Văn Liên
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam