Xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo về công tác bảo vệ rừng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giữ gìn tài sản thiên nhiên, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Tam Đảo Nguyễn Đức Khải cho biết: “Vườn Quốc gia Tam Đảo có tổng diện tích tự nhiên 32.761,1 ha. Theo kết quả điều tra về động vật, thực vật gần đây cho thấy, Vườn có hơn 1.240 loài thực vật bậc cao thuộc 645 chi của 169 họ thực vật của 5 ngành khác nhau, trong đó có 42 loài đặc hữu và 85 loài nguy cấp quý hiếm.
Hệ động vật có gần 1.300 loài; trong đó, có 63 loài mang nguồn gen quý hiếm và 39 loài đặc hữu được sách đỏ Việt Nam ghi nhận. Ngoài tính đa dạng sinh học cao, rừng Tam Đảo còn giữ vai trò điều hòa khí hậu, điều tiết nguồn nước, bảo vệ môi trường sống cho một phần đồng bằng Bắc Bộ.
Riêng địa bàn Vĩnh Phúc, Vườn chiếm diện tích 15.000 ha. Xác định công tác bảo vệ rừng và đặc biệt vùng đệm là quan trọng, những năm qua, trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương các xã trong vùng đệm tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, môi trường rừng, đa dạng sinh học và phát triển bền vững rừng đặc dụng cho cộng đồng dân cư sống quanh Vườn”.
Vùng đệm của Vườn Quốc gia Tam Đảo có 23 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Bình Xuyên (Vĩnh Phúc); huyện Đại Từ (Thái Nguyên) và huyện Sơn Dương (Tuyên Quang); trong đó, riêng địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có các xã Trung Mỹ, Minh Quang, Hồ Sơn, Tam Quan.
Việc nhận thức tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đối với những người dân các khu vực này sẽ góp phần giữ cho “lá phổi xanh” được bền vững, chính vì vậy, những năm qua, Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Tam Đảo đã chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức đối với cộng đồng người dân sinh sống trong vùng đệm; tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho người dân về bảo tồn đa dạng sinh học cũng như phòng, chống cháy rừng thông qua các buổi thuyết trình, trình chiếu tập huấn cho các xã xung quanh vùng đệm.
Tập huấn kỹ năng, phương pháp dập lửa rừng, truyền thông điệp cho bà con trong mùa khô, tăng cường công tác phòng, chống cháy rừng; bổ sung kiến thức khoa học, nhận diện đầy đủ về đa dạng sinh học các loài cây trong rừng; nhận thức được sự thay đổi môi trường dẫn đến nguồn nước cạn kiệt, nhiệt độ tăng.
Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ, Vườn Quốc gia Tam Đảo Nguyễn Đức Khải cho biết thêm: “Thực tế, nhiều năm trở lại đây, ở một số thôn thuộc các xã quanh vùng đệm, vào mùa khô, người dân sống ngay cạnh rừng, suối nhưng lại đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt… Người dân cũng nhận thức nguyên nhân đó do bài học về chặt phá rừng hàng chục năm trước để lại, hiện tại nếu không nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng, trồng rừng, phòng cháy rừng thì tình trạng này sẽ không cải thiện được”.
Để người dân thấy được giá trị khi bảo vệ rừng, thay đổi cách ứng xử với rừng, với thiên nhiên, nhiều chuyến nghiên cứu, đánh giá về rừng được trung tâm tổ chức thực tế cho người dân, du khách cũng như các em học sinh các trường tiểu học, THCS quanh địa bàn; phối hợp tổ chức giảng dạy lồng vào các tiết học; lồng ghép viết kịch bản về giá trị quan trọng của rừng và cách bảo vệ rừng qua các cuộc thi… từ đó giúp các em học sinh nhận thức về bảo vệ rừng được dễ dàng, phù hợp với lứa tuổi.
Hằng năm, trung tâm kết hợp với các trường học tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức các hoạt động dã ngoại, cho học sinh tham quan các phòng tiêu bản, tìm hiểu về đa dạng sinh học và trải nghiệm thực tế.
Trung tâm đã thực hiện tốt việc bảo quản mẫu vật phòng tiêu bản để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường. Tiêu bản được kiểm tra hằng tháng về tình trạng của mẫu vật như độ ẩm, màu sắc… Thực hiện sắp xếp hàng trăm mẫu tiêu bản theo họ để thuận tiện cho việc tra cứu, tìm hiểu, ưu tiên trưng bày mẫu vật của các loài quý, hiếm, đặc hữu của Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Đồng thời, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Cứu hộ gấu hướng dẫn giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên và du khách, tìm hiểu về môi trường, tham quan khu bảo tồn gấu, thu hút 8-10 nghìn học sinh/năm.
Từ công tác tuyên truyền phong phú, hiệu quả, nhận thức của người dân quanh vùng đệm đã thay đổi rõ rệt; các thói quen xưa vào rừng lấy thuốc quý, khai thác gỗ, săn bắt động vật đã không còn; ngược lại người dân đã chú trọng, ý thức bảo vệ rừng bằng việc ký các hương ước, quy ước về rừng, cùng chung tay phòng chống cháy rừng. Cùng với đó, thế hệ trẻ quanh vùng đệm cũng được tiếp cận thông tin về rừng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để nhận biết, yêu và bảo vệ rừng.
Gắn liền với nhận thức là hành động, khi nhận thức đúng và đầy đủ, không chỉ người dân quanh vùng đệm Vườn Quốc gia Tam Đảo mà tất cả chúng ta sẽ thay đổi cách nhìn nhận và chung tay bảo vệ “lá phổi xanh” mang lại sự sống cho chính mỗi chúng ta.
Nguồn : Thu Thủy