Bạn và tôi cùng phải biết tương lai của hành tinh đang quằn quại dưới bàn tay phá huỷ của con người là những câu hỏi khắc khoải và đau đớn. Tương lai ấy có thể là sự diệt vong vĩnh viễn, thế nên những câu hỏi ngày càng trở nên gấp gáp và tuyệt vọng. Sẽ đi về đâu những gì là sự sống của trái đất ?
Sẽ đi về đâu hoà bình và tương lai cho những đứa trẻ ? Và sẽ còn lại gì cho mai sau khi khắp nơi là sự hoang tàn, khô cháy của thiên nhiên, là máu của những loài động vật hiền lành dễ thương và máu của chính con người do con người làm chảy?…
Vườn quốc gia Tam Đảo là…
... Khu rừng lớn nhất, còn sót lại ở khu vực đồng bằng sông Hồng, với diện tích 34.995 ha. Ở đây có, sự giao thoa của các khu vực sinh thái giữa dãy Trường Sơn – nơi có kiểu rừng tương tự kiểu rừng nhiệt đới của khu vực Đông Nam Á, rừng ôn đới của miền Nam Trung Quốc và núi An-pơ của khu vực Đông dãy Himalaya.
… Ở đây có, trên 20 đỉnh núi có độ cao trên dưới 1.000 m được nối với nhau bằng đường dông sắc, nhọn. Đỉnh cao nhất là Tam Đảo Bắc cao 1.592 m. Ngoài ra còn ba đỉnh núi nổi tiếng tạo nên biểu tượng của Tam Đảo là Thiên Thị (1.375 m), Thạch Bàn (1,388 m), Phù Nghĩa (1.300 m),…
… Ở đây có, hàng trăm con suối chảy dọc theo các thung lũng, cuối cùng dồn nước xuống hai sông chính là sông Phó Đáy ở phía Tây và sông Công ở phía Đông như hình chân rết. Nổi tiếng hơn cả là Thác Bạc hùng vĩ, quanh năm không ngừng đổ nước.
… Ở đây có, nhiều kiểu rừng khác nhau như: rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới, rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình, rừng lùn trên đỉnh núi,… tương ứng với từng độ cao, độ dốc và hướng phơi khác nhau.
… Ở đây có, 1.436 loài thuộc 741 chi trong 219 họ của 6 ngành thực vật. Trong đó có 58 loài mang nguồn gen quí hiếm và 68 loài đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới.
… Ở đây có, 1.141 loài động vật hoang dã thuộc 150 họ của 39 bộ trong 5 lớp động vật. Trong đó có 64 loài có giá trị khoa học cần bảo tồn; 16 loài đặc hữu; 18 loài có trong sách đỏ thế giới và 8 loài cấm buôn bán trong phụ lục CITES.
…Cuộc sống xung quanh Vườn quốc gia Tam Đảo (vùng đệm)
Vào giữa thế kỷ 19, khu vực Tam Đảo hầu như rất hoang sơ. Những cư dân đầu tiên của khu vực này là dân tộc Tày, một trong những cư dân gốc của miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên vào nửa cuối thế kỷ 19, người Sán Dìu, có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc bắt đầu di cư qua tỉnh Bắc Giang đến quanh vùng núi Tam Đảo. Sau đó, người Sán Dìu, người Dao và người Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Đông và khu vực lân cận tỉnh Quảng Tây. Cuối cùng là người Kinh, những người sống ở lưu vực sông Hồng trong một thời gian dài đã chuyển lên vùng cao để tìm đất nông nghiệp và phương thức canh tác tốt hơn.
Trong quá trình tồn tại và sinh sống cho đến ngày nay, các cộng đồng vẫn giữ được cho mình những tập quán, bản sắc đặc trưng và riêng biệt. Bên cạnh đó có sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển. Điều đó thể hiện trong các phong tục ma chay cưới hỏi, các tri thức sử dụng thực vật,… rất đa dạng, phong phú, đôi khi còn là bí ẩn.
Chúng tôi luôn,…
…Trân trọng các giá trị của thiên nhiên nói chung, cũng như các giá trị riêng biệt, độc đáo của rừng Tam Đảo nói riêng. Niềm tự hào luôn tồn tại song song với lòng ngưỡng mộ các bí mật lưu giữ trong khu rừng đại ngàn này.
Chúng tôi cam kết,…
…Chữ tâm luôn hướng đạo trong từng suy nghĩ, hành động giữ gìn và bảo tồn các giá trị sinh học, giá trị nhân văn của rừng Tam Đảo.
Các bạn ơi !
Bảo vệ rừng Tam Đảo là nhiệm vụ của chúng tôi, nhưng một mình chúng tôi là quá nhỏ bé, là không đủ. Ý tưởng, hành động các bạn sẽ góp phần giữ gìn cho khu rừng Tam Đảo xanh tươi và bền vững mãi. Hãy cùng chúng tôi làm cho mẹ trái đất bớt đi khắc khoải, bớt đi đau đớn!