Cá cóc Tam Đảo Paramesotriton deloustali là loài có số lượng cá thể nhiều nhất được tìm thấy ở Việt Nam
(trong 5 loài Cá cóc được ghi nhận ở Việt Nam). Có cơ thể dài giống như thằn lằn, chúng có đuôi dẹp và da thiếu vảy. Trên da cá cóc Tam Đảo có nhiều mụn cóc xù xì và tiết chất nhầy, những mụn cóc này thường mọc thành dãy dọc sống lưng kéo dài tới đuôi. Lưng cá cóc Tam Đảo có màu đen. Bụng màu đỏ có những đường xám đen nối với nhau tạo thành hình mạng vân đỏ. Chiều dài cá cóc Tam Đảo khoảng 144 - 206, 5mm
Cá cóc Tam Đảo - Paramesotriton deloustali ảnh: Phùng Mỹ Trung |
Cá cóc Tam Đảo ăn sâu bọ, nhện giun, nòng nọc, ếch nhái con và rong rêu. chúng giao phối vào tháng 3 - 4 bằng cách cuốn đuôi và ép lỗ sinh dục vào nhau.
Cá cóc Tam Đảo sống ở các suối chảy chậm và hồ nước ở vùng núi ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Chúng ưa sống ở những vực nước sâu và trong, hoạt động và kiếm ăn ban ngày. Đây là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở Việt Nam nên chúng rất có giá trị về khoa học.
Cá cóc Tam Đảo - Paramesotriton deloustali ảnh: Phùng Mỹ Trung |
Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây nạn săn bắt loài này để sử dụng vì mục đích đông dược đã biến quần thể đông đúc của chúng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng hoàn toàn. Mặc dù đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam và các văn bản pháp qui của nhà nước về cấm săn bắt loài này nhưng chúng không tránh khỏi bàn tay hủy diệt của con người. Sau rất nhiều lần điều tra và tìm kiếm một vài cá thể của chúng để truyền tải các thông tin về loài này trên giúp cho mọi người có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp và hình thù kỳ lạ của loài này. Nhưng cho mãi đến gần đây loài Cá cóc quí hiếm này mới tìm thấy trong thiên nhiên hoang dã ở Vườn quốc gia Tam Đảo.
Cá cóc Tam Đảo - Paramesotriton deloustali ảnh: Phùng Mỹ Trung |
Phải chăng cơ hội sống sót của loài Lưỡng thê qúi hiếm này sẽ chỉ còn trên hình ảnh để con cháu chúng ta có cơ hội học tập, nghiên cứu và chiêm ngưỡng nếu cộng đồng của chúng ta quá thơ ơ với một phần mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái sinh vật của Việt Nam?
nguồn Sinh Vật Rừng việt nam