Theo thông cáo báo chí của Tổ chức Hợp tác Kỹ Thuật Đức (GTZ), 6/10, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và PTNT và tổ chức này đã chủ trì buổi lễ kết thúc dự án Quản lý Vườn quốc gia Tam Đảo và Vùng đệm (TDMP).
Dự án đã kéo dài 6 năm và được thực hiện theo sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ). Các hoạt động của Dự án được triển khai tại ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, và Tuyên Quang. Với sự hợp tác chặt chẽ của VQG Tam Đảo, trọng tâm của dự án TDMP là nâng cao năng lực cho VQG Tam Đảo về quản lý bảo tồn, giáo dục môi trường cũng như nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm.
Dự án TDMP đã khởi xướng cách tiếp cận đa cấp và đa ngành trong lĩnh vực sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và giáo dục môi trường, thu hút sự tham gia của nhiều cơ quan khác nhau thuộc khu vực nhà nước và tư nhân ở cấp tỉnh và cấp trung ương. Hai hợp phần của Dự án là (1) Quản lý Bảo tồn và (2) Nâng cao Sinh kế có liên hệ mật thiết với nhau. Hợp phần Quản lý Bảo tồn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và kiểm lâm của VQG Tam Đảo.
Trong khi đó, hợp phần Nâng cao Sinh kế tập trung chủ yếu hỗ trợ các cơ quan chính quyền địa phương và người dân xác định, khởi xướng, thử nghiệm và sau đó nhân rộng những kỹ thuật nâng cao sinh kế hiệu quả.
Trong số rất nhiều hoạt động mà dự án đã triển khai, dự án TDMP còn tiến hành đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ kiểm lâm về những chủ đề như tuần tra cải tiến, giám sát đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tra cơ sở. Những chủ đề này hiện nay đã trở thành hoạt động thường xuyên của Vườn quốc gia.
Dự án đã hỗ trợ cho hơn 12.000 hộ gia đình thông qua các biện pháp nâng cao sinh kế, ví dụ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, trồng cây phân tán lấy củi và trồng cây thuốc nam. Dự án cũng giới thiệu một cơ chế tín dụng quy mô nhỏ cho các câu lạc bộ phụ nữ.
Hiện nay các câu lạc bộ này đang vận hành cơ chế một cách hiệu quả. Chính cơ chế này đã giúp cho hơn 2.357 phụ nữ nghèo thuộc người dân tộc thiểu số tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp cho mục đích tạo thu nhập cho gia đình.
Quan trọng hơn, các cách tiếp cận và phương pháp do dự án TDMP khởi xướng đã được thể chế hóa và được các đối tác ở cấp tỉnh và cấp trung ương tiếp tục phát triển. Những cách tiếp cận và phương pháp này đã tiếp tục được các địa phương khác và cơ quan khác nhân rộng. Phương pháp lập qui hoạch sử dụng tài nguyên và giáo dục môi trường của dự án đã được lồng ghép vào chương trình giảng dạy của trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, trường Cao đẳng Kinh tế và Kỹ thuật Thái Nguyên, và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Đảo.
Trường Rừng của VQG Tam Đảo là một ví dụ sinh động khác về sự hợp tác thành công trong lĩnh vực bảo tồn và giáo dục môi trường. Nơi đây, học sinh địa phương và du khách đến thăm VQG có thể tiếp cận được tới các công cụ giáo dục môi trường trong khi đắm mình trong thiên nhiên.